Saturday, 20/04/2024 - 07:04|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Bình Thuận

Trường THPT Minh Quang - 25 năm một chặng đường

Trong không khí của cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2020; các thế hệ thầy và trò trường THPT Minh Quang ôn lại 25 năm ngày thành lập trường để cùng ôn lại truyền thống cao đẹp của nghề dạy học, tôn vinh và bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người; biểu dương những kết quả mà các nhà giáo đã đạt được trong những năm qua đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể tại địa phương và đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ các thầy cô giáo trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

  Trường THPT Minh Quang được thành lập tháng 8 năm 1995 trên cơ sở trường cấp 2,3 Minh Quang trước đây; địa điểm trường đóng tại thôn Nà Mè xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Sự ra đời của nhà trường đã đánh dấu bước phát triển mới của sự nghiệp giáo dục; đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân 5 xã ở khu vực thượng huyện - vùng đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa. Ngày 29/12/2004, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 92/2004/QĐ-UB của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc tách trường cấp 2-3 Minh Quang huyện Chiêm hóa thành trường THPT Minh Quang trực thuọc Sở GDĐT và trường THCS Minh Quang trực thuộc huyện Chiêm Hóa, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất đến ngày 15/01/2005 Trường THPT Minh Quang chuyển về địa điểm mới tại thôn Noong Phường – xã Minh Quang như ngày nay.

Trường THPT Minh Quang nhìn từ trên cao

 25 năm là khoảng thời gian không dài đối với một ngôi trường, nhưng với khoảng thời gian ấy ngôi trường đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo cho con em các dân tộc các xã Minh Quang, Phúc Sơn,....của huyện Chiêm Hóa và một phần xã Hồng Quang, Thổ Bình của huyện Lâm Bình 

           

Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên năm học 1998-1999

Những ngày đầu thành lập, trường chỉ có 2 lớp 10 với tổng số 108 học sinh (gọi là lớp 10 nhô); có 6 cán bộ, giáo viên khối THPT, thầy giáo Ma Trọng Hưng là Hiệu trưởng đầu tiên của trường; thầy giáo Đỗ Ngọc Quý giữ chức Phó hiệu trưởng. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, UBND Tỉnh, Sở GDĐT Tuyên Quang đã lựa chọn những giáo sinh có học lực khá giỏi ở trường Cao đẳng sư phạm về công tác tại các trường THPT, vừà công tác vừa đi học (gọi là cao đẳng giai đoạn); phân công giáo viên trình độ cao đẳng, có chuyên môn khá lên dạy bậc THPT hoặc biệt phái một số giáo viên ở các trường khác về dạy tăng cường. Do vậy, số lượng giáo viên của trường tăng từ 18 giáo viên năm 1996 lên 41 giáo viên năm 2000. Thời kì này, đời sống của cán bộ, giáo viên gặp nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng các thầy cô giáo đều vui vẻ, mang tâm huyết của tuổi trẻ đến với con em các dân tộc vùng cao nơi đây.

Ngày mới thành lập, cơ sở vật chất ban đầu của nhà trường còn  thiếu thốn nhiều thứ, nhà ở chỉ có một khu kí túc giáo viên 07 gian nhà gỗ, phên vách làm bằng tre, nứa, lá tạm bợ; không có hệ thống thông tin liên lạc; các thầy cô giáo phải dùng đèn dầu để soạn bài, xin nước nhà dân để sinh hoạt. Học sinh ở xa trường phải mang gạo, củi, rau đến trọ học nhà dân gần trường. Toàn trường có 8 phòng học, bàn ghế giáo viên, học sinh cũ hỏng phải tu sửa thường xuyên. Do thiếu bàn ghế, nhiều phòng học phải dùng 4 cọc tre chôn xuống đất, xỏ cây ghép hai đoạn cây để làm ghế ngồi, băm nứa thành dát nẹp lại để làm bàn viết; phên vách lớp học đan bằng tre, nứa chỉ được một thời gian lại hỏng. Nhà hiệu bộ không có, thầy và trò phải đi dỡ nhà lớp học cũ thôn Nà Tơớng xã Minh Quang về dựng làm nhà hiệu bộ; một gian để Hiệu trưởng làm việc, hai gian còn lại kê bàn ghế làm phòng họp hội đồng giáo viên.

Mặc dù trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ đầu xây dựng song nhà trường vẫn quyết tâm thực hiện phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; tập thể thầy cô giáo đã có nhiều nỗ lực phấn đấu để tạo nên và duy trì được nền nếp kỷ cương trong giảng dạy và học tập, chăm lo việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho bước phát triển tiếp theo của nhà trường.

Trong thời kỳ khó khăn đó, việc học sinh bỏ học để giúp gia đình diễn ra phổ biến nên việc duy trì sĩ số học sinh đạt 96,7%, tỷ lệ học sinh THCS vào lớp 10 đạt 90 %;  học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt: 91,2 %; học sinh có học lực khá, giỏi: tăng từ 3,6% năm học 1995-1996 lên 25% năm học 1999-2000.  tỷ lệ học sinh học lực yếu giảm từ 9,2 % xuống còn 1,2 %. Năm học 1997-1998 khóa học đầu tiên của nhà trường có 104/106 học sinh đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 98 %; Năm học 1998-1999 có 108 học sinh; Năm học 1999-2000 có 120 học sinh tốt nghiệp. Có 18 học sinh đã được cử tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng là những con số biết nói cho thấy sự nỗ lực cố gắng của tập thể thầy cô giáo đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền huyện Chiêm Hóa và chỉ đạo sát sao của Sở GDĐT Tuyên Quang.

Mới thành lập nhưng những thành tích nhà trường đạt được đã góp phần vào thành tích chung của sự nghiệp giáo dục tỉnh Tuyên Quang nói chung và quê hương Chiêm Hóa nói riêng. Nhiều cựu học sinh hiện nay đã thành đạt và đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Chính quyền các cấp, các ngành như em Ma Công Duyệt Trưởng trạm Thú y huyện Chiêm Hóa; em Quan Ngọc Cừ - Phó Trưởng phòng Quản lý học sinh trường Trung học Kinh tế, Kĩ thuật tỉnh Tuyên Quang; Ma Công Liêu- Phó Trưởng viện kiểm sát huyện Nà Hang; em Ma Văn Liên Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên- Tuyên Quang; Trần Thị Út –Trưởng phòng Quỹ đầu tư và Phát triển tỉnh Tuyên Quang; Ma Thị Ngư, Vũ Thị Hồng Nhung giáo viên; Vũ Văn Chung chuyên viên phòng GDĐT Chiêm Hóa; Chẩu Văn Học – Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn...

Trong giai đoạn 2000-2005, thực hiện Nghị quyết  Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về phổ cập giáo dục, trường thực hiện “Một hội đồng hai nhiệm vụ” vừa dạy phổ thông vừa dạy bổ túc văn hóa. Trong giai đoạn này số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tăng cao, năm 2005 lên tới 78 thầy cô. Số lớp, học sinh lên tới 38 lớp với 1726 học sinh. Do số lượng lớp và học sinh quá lớn, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường nhất thời chưa đáp ứng được, nhằm tạo điều kiện cho 100% học viên có nhu cầu đi học đều được đến trường, ngoài việc tổ chức các lớp học trong trường, nhà trường đã chủ động phối hợp với lãnh đạo địa phương, các trường THCS trên địa bàn mở các lớp bổ túc THPT tại các điểm trường như: điểm trường xã Bình An có 03 lớp, xã Hồng Quang có 04 lớp. Các em học viên đi học được nhà nước quan tâm đầu tư trang bị đầy đủ sách giáo khoa, vở viết và hỗ trợ 15kg gạo/ tháng để đi học.

Các đ/c là Hiệu trưởng trường THPT Minh Quang qua các thời kỳ

Thầy giáo
Ma Trọng Hưng
 (1995- 1998)

 

Thầy giáo
Lâm Đình Hưng
 (1998-2013)

 

Thầy giáo
Thạch Đại Thánh
        (2013-Nay)

Các đ/c là Phó Hiệu trưởng qua các thời kỳ

Thầy giáo
Đỗ Ngọc Quý (1995-2005)

 

Thầy giáo
Ma Công Chiều
(2002- Nay)

 

Thầy giáo
Đinh Phú Cường (2008-2013)

 

Thầy giáo
Đỗ Chí Cường (2013 - Nay)

 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập cán bộ giáo viên nhà trường phải trèo đèo lội suối, đi bộ hàng chục cây số để vận động học sinh đến trường. Có thể nói đây là thời điểm rất khó khăn, thách thức đối với cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường trong việc cùng một lúc phải quản lý và giảng dạy tại nhiều điểm trường, có những điểm trường cách xa trường chính trên 15 km.

Mặc dù còn khó khăn nhưng kết quả giáo dục của nhà trường đã chứng minh sự cố gắng không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường. Tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh các lớp phổ thông đạt 98%; Bổ túc 95 %; tỷ lệ lên lớp thẳng trung bình hàng năm đạt trên 80%; tỷ lệ học sinh rèn luyện hạnh kiểm khá, tốt trên 90%; tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp bình quân hằng năm đạt 93,78 %. Kết quả giáo dục của nhà trường đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phổ cấp giáo dục bậc THCS tiến tới phổ cập bậc THPT của tỉnh Tuyên Quang. Những kết quả đạt được là niềm vinh dự lớn của nhà trường trong công tác phổ cập giáo dục ở địa phương, trong công cuộc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương Chiêm Hóa và tỉnh Tuyên Quang.

Nhiều học viên ra trường được đi học các lớp đại học tại chức, trung cấp lý luận chính trị, hiện nay đã và đang nắm giữ nhiều chức vụ trong Đảng, đoàn thể, chính quyền, các ban ngành địa phương như: đồng chí Vũ Văn Bảo, Ma Văn Tinh bí thư Đảng ủy xã Minh Quang; Đặng Ngọc The; Ma Ngọc Chinh bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình; Hoàng Văn Hạp, Nguyễn Văn Hưng, Chẩu Văn Tùng bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn; Bàn Tiến Quân; Ma Văn Khâm xã Bình An …

Từ ngày 15/01/2005, trường THPT Minh Quang chuyển về địa điểm mới tại thôn Noong Phường, xã Minh Quang. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng mới một nhà lớp học kiên cố 3 tầng 18 phòng học, 08 phòng học tạm đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho việc học hai ca; một nhà ở tập thể giáo viên 05 gian. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, các công trình phụ trợ không có; nhiều giáo viên, học sinh ở xa phải trọ nhà dân khu vực xung quanh trường.

Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất UBND huyện đã họp với Đảng ủy, Chính quyền 5 xã trong khu vực tuyển sinh của trường đề ra các giải pháp để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường vận động các doanh nghiệp trên địa bàn san ủi mặt bằng sân trường, khu tập thể giáo viên, kí túc xá học sinh. Nhà trường vận động phụ huynh học sinh đóng góp đổ hàng trăm xe cát sỏi làm mặt bằng sân trường (do sân trường mới san ủi, đất pha cát rất lầy lội). Các xã trong khu vực tuyển sinh của trường mỗi xã huy động nhân dân đóng góp công và vật liệu dựng 05 gian nhà và bếp kí túc học sinh, nhà công vụ giáo viên (riêng xi măng và tấm lợp Fibro-ximăng được nhà nước hỗ trợ). UBND huyện đầu tư xây dựng 02 giếng nước, 15 gian nhà tắm, nhà vệ sinh …đáp ứng cho 200 học sinh trọ học và 20 giáo viên ở nhà công vụ. Năm 2009trường đã được đầu tư xây dựng mới 10 gian nhà và bếp ký túc xá học sinh, 15 gian nhà và bếp nhà công vụ giáo viên  bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Năm học 2005-2010 nhà trường đã xây dựng được 02 công trình vệ sinh giáo viên, học sinh, xây dựng hệ thống đường đi nội bộ, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tường rào; xây dựng bồn hoa, cây cảnh tạo được cảnh quan “xanh- sạch đẹp” trong khuôn viên nhà trường từ xã hội hóa.

 Đội ngũ các cán bộ quản lý giai đoạn 2005-2010 do thầy giáo Lâm Đình Hưng giữ chức vụ Hiệu trưởng, thầy Ma Công Chiều, Đinh Phú Cường giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Đội ngũ giáo viên, nhân viên có có nhiều thay đổi số giáo viên được điều động đến và thuyên chuyển công tác nhiều. Cơ cấu giáo viên tương đối đồng bộ ở các bộ môn. Nhà trường làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Giai đoạn này 100% cán bộ giáo viên, nhân viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Số cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ Thạc sỹ 06 đồng chí. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có tinh thần đoàn kết, có ý chí phấn đấu vươn lên, có trách nhiệm cao trong công việc và luôn gắn bó với sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ bài giảng và quản lý nhà trường. Các tổ chuyên môn luôn đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chú trọng việc trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, cách thức dạy những bài khó…

Nhìn chung giai đoạn 2005-2010, là giai đoạn thực hiện nhiều“đổi mới” về Giáo dục và Đào tạo; nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội được thực hiện như Luật giáo dục 2005; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục... Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã được toàn ngành phát động như  cuộc vận động “Hai không” với hai nội dung “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”;cuộc vận động Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và khắc phục việc học sinh ngồi nhầm lớp”. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ các phong trào thi đua trong giáo viên và học sinh nhà trường đã được đẩy mạnh, tích cực phấn đấu xây dựng “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.

Có thể nói đây là một chặng đường với nhiều khó khăn do trường chuyển đến địa điểm mới. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân những khó khăn về cơ sở vật chất dần được đẩy lùi. Các hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường được thực hiện nghiêm túc. Chất lượng giáo dục của nhà trường đảm bảo “Học thật, thi thật, chất lượng thật”. Kết quả xếp loại về học lực, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm thấp dưới 15%. Tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp bấp bênh, năm thấp nhất 2007: 10,82%, năm 2008: 79,53%; năm 2009: 47,16%; năm 2010: 100%. Tỷ lệ tốt nghiệp thấp đã phản ánh đúng chất lượng thực của học sinh, bệnh thành tích trong giáo dục dần được khắc phục; chất lượng giáo dục đã dần được nâng lên và ổn định, số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh thi đỗ vào các trường đại học ngày càng tăng. Sự thành công ấy khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của ngành giáo dục, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nhà trường.

Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên năm học 2004 - 2005

Để thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác Giáo dục & Đào tạo và Thực hiện Nghị quyết Đại hội chi bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2010-2015 với chủ đề “ Đổi mới để nâng cao chất lượng. Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục, cụ thể:

Về cơ sở vật chất, năm 2012 trường được đầu tư xây thêm một nhà lớp học với 14 phòng học; 05 giam nhà công vụ, cán bộ giáo viên đóng góp xây 05 bếp nhà ở tập thể giáo viên. Năm 2013 nhà trường đã đầu tư lắp đặt 6 máy tính kết nối mạng Internet để học sinh tra cứu, tìm hiểu thông tin trên mạng để phục vụ cho học tập, ôn thi học sinh giỏi; vận động giáo viên, học sinh góp sách cho thư viện; đặc biệt Công ty sách, thiết bị Tuyên Quang đã tài trợ hơn 1000 cuốn sách trị giá 30 triệu đồng; các lớp học đã được lắp đặt mạng Internet, màn hình lớn để học sinh truy cập tài liệu phục vụ cho học tập; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy, học tập, quản lý học sinh, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Về quy mô số lớp, học sinh: Giai đoạn 2010- 2015, số lượng học sinh giảm dần. Năm học 2010-2011, có 26 lớp/ 975 học sinh đến năm 2015 chỉ còn 19 lớp/588 học sinh. Nguyên nhân là do huyện Lâm Bình mới thành lập một số học sinh xã Bình An, Hồng Quang, Thổ Bình chuyển sang học trường THPT Lâm Bình.

Tập thể lớp 12A khóa 1995-1998
Khóa học đầu tiên của trường cấp 2-3 Minh Quang nay là THPT Minh Quang

Đội ngũ giáo viên cơ bản đã đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu. Giáo viên đạt trình độ chuẩn: 43/43; trong đó trên chuẩn: 05 đồng chí. Hầu hết các giáo viên đều xử dụng thành thạo các thiết bị dạy học hiện đại, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Số giáo viên giỏi cấp trường luôn được duy trì và nâng cao theo từng năm học. Năm 2011 có 07 giáo viên, năm 2015 có 12 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường. Số giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở hằng năm cao chiến 20-30%.

  Đội ngũ cán bộ quản lý trong giai đoạn này có nhiều thay đổi, tháng 8 năm 2013 thực hiện sự luân chuyển cán bộ quản lý, thầy Lâm Đình Hưng Hiệu trưởng, thầy Đinh Phú Cường pHiệu trưởng chuyển công tác. Sở GD&ĐT điều động thầy Thạch Đại Thánh về giữ chức vụ Hiệu trưởng, thầy Đỗ Chí Cường giữ chức vụ phó Hiệu trưởng trường THPT Minh Quang.

Các thầy cô giáo trên địa bàn xã Minh Quang làm phổ cập giáo dục THCS (một hội đồng 2 nhiệm vụ)

Chất lượng giáo dục của nhà trường dần được nâng lên ổn định và vững chắc. Tỷ lệ lên lớp thẳng trung bình hàng năm đạt trên 80%; tỷ lệ học sinh rèn luyện hạnh kiểm khá, tốt trên 90%; số học sinh khá giỏi tăng từ 16,9 % năm 2011 lên 30,8 % năm 2015. Tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp bình quân hằng năm đạt 95,86 % trong đó năm 2010, 2011 đạt 100%. Số học sinh đỗ Đại học mỗi năm trên 32 em. Số học sinh giỏi cấp tỉnh ngày một tăng về số lượng, chất lượng từ 2005-2015 có 14 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 12 em đạt học sinh giỏi máy tính cầm tay, trong đó có em Chẩu Đình Dương đạt giải nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh.

Từ năm 2010 đến năm 2015 nhà trường được Sở GD&ĐT Tuyên Quang xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, riêng năm 2011- 2012, đạt danh hiệu trường tiên tiến được Sở GD&ĐT tặng giấy khen và được Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng tặng Bằng khen - Đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số; được Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 - 2013.

Nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các thầy cô giáo 
nên số lượng và chất lượng dạy và học của nhà trường ngày một được nâng lên

          Trải qua hơn nửa thập kỷ với những thành tích vượt bậc, trường THPT Minh Quang hôm nay đã mang trên mình một diện mạo mới, đánh dấu một chặng đường mới trong hành trình đi lên của nhà trường. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư tương đối đồng bộ, các dãy nhà lớp học cao tầng, nhà Đa năng khang trang, bề thế, hệ thống bồn hoa, cây xanh, ghế đá, sân trường được quy hoạch quy củ làm cho khuôn viên nhà trường ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp, thoáng mát đã góp phần tạo nên môi trường học tập, vui chơi lành mạnh, thoải mái cho học sinh, giúp cho các em càng thêm yêu trường lớp, thầy cô, bạn bè. Ngôi trường đẹp chắc chắn để lại những dấu ấn tốt đồi với học sinh. Những ai đi xa về không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh hàng cây, ghế đá, sân trường với những lối đi dưới hàng cây râm mát, bên những bồn hoa, thảm cỏ xanh tươi…mang lại cho các em thêm nhiều tình cảm, yêu mến ngôi trường.

Những học sinh có thành tích xuất sắc trong cuộc hành quân truyền thống
từ Tân Trào đến Nghệ An, đi báo công dâng Bác Tại Tân Trào – Sơn Dươn
g

Trong giai đoạn này số lượng lớp, số lượng học sinh, giáo viên tương đối ổn định, Cụ thể: Năm học 2015-2016 có 18 lớp với tổng số 546 học sinh đến năm học 2019-2020 là 18 lớp với tổng số 657 học sinh, tăng 111 học sinh so với năm học 2015-2016; năm học 2015- 2016 tổng số cán bộ, giáo viên: 43, đến năm 2019-2020 tổng số cán bộ, giáo viên: 42 người, giảm 01 người, do giáo viên chuyển đơn vị công tác và về hưu. Đội ngũ giáo viên cơ bản  đã đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu. Số giáo viên đạt chuẩn là 100%, trình độ trên chuẩn (thạc sĩ) 04 đồng chí. Hầu hết các giáo viên đều sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học hiện đại, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng hợp lý và hiệu quả CNTT trong giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Kết quả giai đoạn 2015-2020: 100% cán bộ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó: Đạt CSTĐ cơ sở 9,4% Lao động tiên tiến 80,6%; Trên 90% cán bộ, giáo viên xếp viên chức loại khá, tốt; 100% cán bộ, giáo viên ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; có 14 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp trường; có 5 giáo viên được bình bầu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường. Tuy nhiên nhà trường chưa có giáo viên giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh.

Kết quả học tập của học sinh: Duy trì sĩ số học sinh đạt 96,7%, tỷ lệ học sinh THCS vào lớp 10 đạt 90 % trở lên;  học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt : 91,2 % ; học sinh có học lực khá, giỏi: 36,6%; tỷ lệ lên lớp thẳng: 78,75%; tỷ lệ học sinh học lực yếu giảm từ 31% năm học 2015-2016 xuống còn 15,8% . Năm học 2018-2019 tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp: 93,5 %;  Số học sinh thi đỗ vào đại học đạt 31% trong tổng số học sinh đăng ký dự thi đại học. Có học sinh đạt điểm cao trong tốp đầu cả nước như em Ma Văn Việt Hoàng đỗ Học viện cảnh sát nhân dân. Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2016-2017 trường xếp loại khá, năm học 2017- 2018; 2018-2019, 2019-2020  trường đạt tiên tiến.

Đội bóng đá tham gia giải bóng đá học sinh THPT huyện Chiêm Hóa năm 1999

          Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn đạt danh hiệu Đoàn trường Vững mạnh có sự dẫn dắt của các đồng chí Bí thư, nguyên Bí thư Đoàn trường (Đồng chí: Ma Công Chiều giai đoạn 1995 - 1999, đồng chí Nguyễn Trung Phần 1999 - 2005, đồng chí Đinh Tiến Phi 2005 - 2007, 2011 - 2013, đồng chí Lê Hoàng Nam 2007 - 2009, đồng chí La Hồng Hải 2009 - 2011, đồng chí Nguyễn Đình Luân 2013 - 2017, đồng chí Phạm Tuấn Nghĩa 2017 - 2018, đồng chí Hà Đình Quân 2018 - 2020, đồng chí Nguyễn Ngọc Luân 2020 đến nay).

  Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển trường THPT Minh Quang đã đạt được nhiều thành tích được các cấp có thẩm quyền ghi nhận, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, sự gửi gắm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thầy và trò trường THPT Minh Quang hôm nay và mai sau không được phép bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà phải phấn đấu nhiều hơn nữa để trường THPT Minh Quang thực sự trở thành một nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đ/c Ngô Thục Lâm - Giám đốc Sở GDĐT Tuyên Quang cùng lãnh đạo huyện Chiêm Hóa,
 xã Minh Quang tại Lễ bàn giao trường THCS Minh Quang thuộc quản lý của UBND huyện Chiêm Hóa năm 2004

 25 năm hình thành và phát triển của một trường học tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ để khẳng định những nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo và các em học sinh trường THPT Minh Quang. Trong 25 năm qua, trường luôn tìm tòi, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, gian khổ để không ngừng nâng cao chất lượng  giáo dục, vươn lên để trở thành tốp các trường có chất lượng khá của tỉnh, góp phần “đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước. Trường đóng tại vùng đất xa xôi, cách Huyện lị hơn 30 cây số, điều kiện sinh hoạt của giáo viên, học sinh thiếu thốn, khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm của thầy và trò, trường vẫn vững vàng đi lên; tạo dựng được một cơ ngơi khang trang, đàng hoàng, bề thế giữa vùng núi rừng Chiêm Hóa.

Quá trình xây dựng và phát triển của trường THPT Minh Quang hơn 25 năm qua là sự phát huy nội lực của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường. Bên cạnh đó với đường lối đổi mới của Đảng coi “Giáo dục & Đào tạo là quốc sách hàng đầu”; nhờ sự quan tâm của Đảng, sự chung tay giúp sức của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân đã giúp cho trường xây dựng được cơ ngơi, khang trang, bề thề như ngày hôm nay. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc và tin tưởng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả trong những chặng đường phát triển tiếp theo của nhà trường.

Trong quá trình đi lên của nhà trường không thể thiếu vai trò của người thầy nói chung và mỗi cá nhân nhà giáo nói riêng. Có những sự cố gắng, có những thành tích chỉ có thể đo được bằng nỗi cảm phục và sự kính yêu. Với truyền thống vượt khó đi lên của nhà trường, từ mái trường này ra đi biết bao nhà giáo đã thành danh giữ chức vụ cao trong cơ quan công tác như thầy giáo Vũ Dương Uyên- Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Quân văn Thịnh hiệu trưởng trường DTNT-THCS Yên Sơn, Lục Anh Tùng phó hiệu trưởng trường THPT Đầm Hồng, Nguyễn Trung Phần nguyên Bí thư Đoàn trường - Chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo; thầy La Hồng Hải- UV Ban thường vụ, trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lâm Bình; nhiều giáo viên chuyển công tác đã trở thành những giáo viên giỏi của những trường chất lượng cao như cô Nguyễn Thanh Phương giáo viên trường THPT Chuyên Tuyên Quang; cô Nguyễn Thị Dung, Sái Thị Luyến, thầy Nguyễn Văn Khải trường Nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang; cô Hà Thị Soan - THPT Ỷ La; Thầy giáo Trần Minh Phương, Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn Thị Nga - trường THPT Sông Lô; Thầy giáo Nguyễn Đắc Dũng trường THPT ATK Sơn Dương. Bên cạnh đó cũng có nhiều cựu học sinh thành đạt luôn quan tâm và nhớ về ngôi trường dấu yêu như: Cựu học sinh Bùi Văn Tuân, Bùi Văn Tú (Doanh nghiệp tư nhân Sơn Tùng), em Mai Trần Lâm, em La Trung Dũng, em Ma Thị Hoàn, em Vũ Tiến Tam, em Bùi Mạnh Hải… cùng nhiều cựu học sinh khác hàng năm cũng dành tình cảm và vật chất ủng hộ học sinh nghèo của nhà trường trong các dịp tết vì học sinh nghèo…..

Năm 2005 trường chỉ có một nhà lớp học ba tầng 18 phòng học, 08 phòng học tạm, một nhà công vụ giáo viên 05 gian.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và công tác xã hội hóa giáo dục của địa phương, sự cố gắng của nhà trường, cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, khang trang, đẹp đẽ, hấp dẫn; cảnh quan sư phạm nhà trường ngày càng “Xanh - Sạch - Đẹp”. Các phòng chức năng như thư viện, phòng đọc, thiết bị, sân chơi, bãi tập được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chất lượng giáo dục đang dần được nâng cao và ổn định. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT không ngừng được nâng cao, ngày càng có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Từ mái trường này hàng nghìn học sinh được đào tạo đang vững vàng trên các lĩnh vực công tác. Chúng ta thật tự hào, hãnh diện khi nhiều em đã thành đạt, trở thành những kĩ sư, bác sỹ, nhà giáo, công an, nhà doanh nghiệp giỏi, những cán bộ chủ chốt của huyện, tại địa phương; góp phần xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

BCH công đoàn nhiệm kỳ 2005-2008

  Mục tiêu phấn đấu tiếp theo của nhà trường là duy trì và giữ vững kỷ cương, nề nếp dạy, học, phấn đấu để có nhiều giáo viên giỏi, học sinh giỏi, đạt danh hiệu trường tiên tiến. ngày càng có nhiều em thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân huyện Chiêm Hóa, của ngành GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang. Phát huy truyền thống nhà trường các thầy cô giáo tiếp tục vượt qua bao gian khó vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình: tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn gắn bó với nhà trường. Với sự toàn tâm, toàn ý, sống hết mình cho sự nghiệp trồng người của thầy cô, các em học sinh của trường sẽ cố gắng say mê học tập, rèn luyện, đóng góp nhiều cho phong trào của nhà trường và các hoạt động xã hội, góp phần tích cực và hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh kế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Hội thi Nữ công gia chánh

          Tuy nhiên, sự trưởng thành và thành công không tự nhiên đến, mà nó được vun trồng, xây đắp bằng tâm huyết và trí tuệ, bằng mồ hôi và nước mắt, bằng ý chí và nghị lực, bằng niềm vui và cả nỗi buồn theo năm tháng. Kỷ niệm 25 năm cũng là khoảnh khắc để dừng lại, để nhìn rõ mình hơn, để suy ngẫm, thấu hiểu những trải nghiệm và đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu, coi đó như hành trang quan trọng nhất để tiếp tục những bước đi vững chắc trong chặng đường tiếp theo: Đó là bài học về Chữ tâm – Chữ tài và Chữ tình của một nghề đặc biệt – Nghề “trồng người”; bài học về sự đoàn kết gắn bó để vượt qua mọi khó khăn; bài học về công tác cán bộ, công tác xây dựng đội ngũ; bài học về công tác lãnh đạo. Mỗi cán bộ,  giáo viên, CNV, học sinh, phụ huynh là những viên gạch quý giá để xây dựng nên một ngôi trường- một môi trường giáo dục của thời kỳ đổi mới. 

Hội trại 26-3

          25 năm qua, sự đóng góp của quý thầy giáo, cô giáo thật lớn lao, nó thực sự là nền tảng, là nhân tố đảm bảo sự phát triển của nhà trường. Ngày hôm nay đạt được những thành tích trong sự nghiệp giáo dục, chúng ta cũng đã nếm trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống. Khi đứng trên bục giảng, trước học sinh thân yêu, chúng ta phải vượt qua mọi sự khó khăn vất vả của cuộc sống đời thường, để đem đến cho các em những bài học quý giá. Sự thành đạt của các thế hệ học sinh hôm nay và ngày mai là giây phút chúng ta nhận được giá trị hạnh phúc của nghề dạy học.

Lễ ký kết thực hiện quy chế đảm bảo an ninh trật tự trường học
Các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật

          25 năm trôi qua, 25 năm xây dựng và phát triển của trường chúng ta đã khẳng định vị thế hiện tại và định hướng cho tương lai. Nhưng những chặng đường tiếp theo hết sức quan trọng và cũng không kém những khó khăn vất vả. Tập thể CB, GV, NV trường THPT Minh  Quang hôm nay nguyện cống hiến tất cả tâm, sức và trí tuệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xây dựng nhà trường thành một địa chỉ tin cậy, một điểm sáng về giáo dục của Tỉnh Tuyên Quang.

Thầy cô giáo trường THPT Minh Quang tham gia Hội thi tuyên truyền viên giáo dục pháp luật giỏi cấp tỉnh năm 2016

          Trong niềm vui của sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Trường, thầy Thạch Đại Thánh Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường thay mặt tập thể nhà trường trân trọng ghi nhận công lao đóng góp của quý thầy cô trong  BGH các khoá tiền nhiệm, quý thầy giáo, cô giáo, nhân viên thuộc lớp người đi trước đã không quản nhọc nhằn, dùng hết tâm sức xây nền, đắp móng cho ngôi trường thân yêu này.

Các đồng chí Ban Chấp hành Chi bộ, nhiệm kỳ 2020-2025

       

 

Phòng PC49 Công an tỉnh Tuyên Quang trao học bổng cho học sinh nghèo

 

Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên năm 2018

 

Chương trình giao lưu nghệ thuật “ Uống nước nhớ nguồn, lối về đất mẹ”

 

                                                                                                                        Tổng hợp và biên tập: Đinh Tiến Phi

Lượt xem: 35.672
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Hôm qua : 5
Tháng 04 : 66
Năm 2024 : 4.279